Phát triển ngôn ngữ

5 thắc mắc thường gặp khi mẹ dạy chữ cái tiếng Việt cho bé

Khi mới bắt đầu với bảng 29 chữ cái tiếng Việt, mẹ có thể không biết bắt đầu từ đâu, có những lưu ý gì, chọn bảng chữ cái nào trong vô số sản phẩm chữ cái trên thị trường? Mẹ đọc bài viết này để có cái nhìn tổng quan, trước khi cùng con đi hết bảng chữ cái tiếng Việt thân yêu nhé!

Dạy chữ cái tiếng Việt cho bé theo thứ tự nào?

Ở phần trước, mỗi khi con nhận biết tốt âm thanh nào, mẹ có thể giới thiệu cho con chữ cái của âm đó. Tuy vậy, trong tiếng Việt có những âm đặc biệt, dễ gây nhầm lẫn cho con. Vì thế, trước hết mẹ cần lưu ý một số đặc điểm sau của âm thanh – chữ cái:

  • Một âm thanh được biểu thị bằng 1 chữ cái duy nhất: âm /a/ được thị bằng chữ cái “a”. Chúng ta gọi là chữ cái cơ bản.
  • Một âm thanh được biểu thị bằng 2 chữ cái: là các phụ âm ghép như tr, nh, ph, kh, ph…
  • Một âm thanh được biểu thị bằng 3 chữ cái: ngh.
  • Một âm có 2 cách biểu thị (chúng ta gọi là âm đặc biệt):
dạy chữ cái tiếng việt cho bé
Các âm đặc biệt có 2 chữ cái để ký âm

Như vậy, song song với việc nhận biết các âm cơ bản, thứ tự giới thiệu chữ cái như sau:

  • Chữ cái cơ bản + c, i, g
  • Phụ âm ghép + ng
  • Các âm đặc biệt: k, gh, ngh, y
  • Sau cùng là ă, â. Trong đó, cả âm và mặt chữ chúng ta đều để sang giai đoạn sau, khi con đã thành thạo với các thanh dấu, mẹ mới bắt đầu giới thiệu.

Tại sao nên bỏ qua chữ “q” trong bảng chữ cái?

Bạn có thể thấy chữ q đứng độc lập (không đi kèm với u để tạo thành qu) sẽ không tự mình ghép với bất cứ nguyên âm hoặc vần nào để tạo thành từ có nghĩa. Vì thế, chúng ta có thể bỏ qua âm và chữ cái q. Khi đến phần giới thiệu phụ âm ghép, bạn giới thiệu luôn cho con chữ cái qu, đọc âm là /quờ/.

Tại sao nên sử dụng bảng chữ cái nhám để giúp bé ghi nhớ chữ cái?

Nếu ở phần trước, con đã lắng nghe được các âm thanh cơ bản trong tiếng Việt, giờ là lúc mẹ chỉ cho bé cách sờ, chạm vào âm thanh đó. Theo cách hiểu này, chữ cái được xem là dạng vật chất hóa của âm thanh.

Nếu như âm thanh là vô hình, con không thể sờ chạm, lưu giữ thì chữ cái có đường nét hữu hình, con có thể thoải mái sờ chạm, và sau này là sử dụng chúng để lưu giữ lại những ý nghĩ của chính mình. Ấn tượng mạnh mẽ nhất của chữ cái là tính hữu hình. Với chữ cái nhám, đặc điểm này được nhấn mạnh để thu hút sự chú ý của con.

Khi hoạt động với chữ nhám, tay con được miết lên bề mặt thô ráp, mắt con được dõi theo hình dáng của chữ cái, và tai con được lắng nghe âm thanh của chữ cái. 3 giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác) cùng lúc được kết hợp với nhau, giúp con có được trí nhớ mạnh mẽ hơn về hình dạng của chữ cái.

Trong chữ nhám lại có 2 loại: chữ nhám nét in và chữ cái nét viết (còn gọi là chữ thảo). Khi con miết tay trên một chữ cái nhám cũng là quá trình con ghi nhớ cách viết nên chữ cái đó. Vì thế, để tối ưu nhất, mẹ nên chọn bảng chữ cái nhám nét viết. Những đường cong của nét viết cũng là cơ hội để con luyện tập những ngón tay di chuyển mềm mại hơn, chuẩn bị cho giai đoạn viết sắp tới.

Mẹ cũng có thể tự làm chữ nhám cho bé. Trong thời gian tới, Ngôn ngữ của bé cũng sẽ có bài hướng dẫn mẹ tự làm từng bước.

Ngôn ngữ của bé cũng đã tạo một bảng theo dõi tiến độ học bảng chữ cái tiếng Việt dành cho mẹ. Mẹ tải về tại Thư viện của bé để hỗ trợ bé nhé!

Bé rất nhanh quên mặt chữ, mẹ phải làm sao?

Dù hôm trước bé đã thành thạo với chữ cái này rồi, mà sao hôm nay hỏi đến, con vẫn quên ngay được nhỉ? Bé mới lưu giữ những ấn tượng về chữ cái vào vùng trí nhớ ngắn hạn. Để có thể biến những ấn tượng ban đầu ấy thành của mình, con cần lắm sự lặp lại để nhắc nhớ. Ở độ tuổi của con, cách nhắc nhớ tự nhiên và vui vẻ nhất là thông qua những trò chơi và hoạt động củng cố. Vì thế, mỗi khi giới thiệu cho con thêm một vài chữ cái nhất định, mẹ đừng quên cho con được chơi với chúng nhé!

Bé học được chữ “a” và “b” rồi, mẹ cho bé ghép chữ thành từ có nghĩa luôn được không nhỉ?

Nghe có vẻ hợp lý vì bé vừa học xong đã có thể ứng dụng ngay vào việc tạo từ có nghĩa. Thế nhưng, theo phương pháp Montessori, mẹ hãy kiên nhẫn thêm chút nữa nhé!

Để có thể lắp ghép được một mô hình nào đó, bước đầu tiên luôn là tháo chúng ra, quan sát từng chi tiết, định hình vị trí của chúng và tìm hiểu mối tương quan giữa các chi tiết với nhau.

Bé đang tiếp nhận ngôn ngữ theo cách rất tự nhiên. Ở bước này, bé mới đang tập phân tích âm cấu tạo nên từ và hình thành những ấn tượng đầu tiên về ký hiệu của âm. Ghép chúng lại để tạo từ có nghĩa là giai đoạn phía sau. Còn bây giờ, a hãy cứ là a và b là b thôi nhé!

Đây là 5 thắc mắc thường gặp khi mẹ bắt đầu dạy chữ cái tiếng Việt cho bé. Phần tiếp theo, mẹ sẽ được giới thiệu cách cùng con hoạt động với từng nhóm chữ cái nhám.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *