Phát triển ngôn ngữ

Tự làm cuốn nhật ký bằng tranh kết nối ngôn ngữ nói và viết

Để chuẩn bị nhận thức cho con về mối liên hệ giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, tại sao lại cần chữ viết, chúng ta cần có những hoạt động cho trẻ được quan sát và trải nghiệm.

Cùng con làm một cuốn nhật ký bằng tranh chính là một hoạt động như thế. Giờ thì bạn có thấy tò mò về hoạt động này không? Tại sao nó lại có thể kết nối ngôn ngữ nói và viết? Làm như thế nào nhỉ?

Nhật ký bằng tranh là gì?

Có thể bạn nghĩ con còn chưa biết viết thì nói gì đến nhật ký nhỉ! Có sao đâu nhật ký chỉ là cuốn sổ ghi chép hoạt động thôi mà.

Bí mật của nhật ký bằng tranh chính là hoạt động kể chuyện.

Con sẽ kể một câu chuyện về những gì con đã vẽ hoặc một bức ảnh, còn bạn thì viết ra. Sau đó chúng ta sắp xếp và lưu trữ tất cả văn bản và hình ảnh này vào một cuốn sổ. Chúng ta có thể cùng con mở lại những trang đã viết, chạm tay lên mặt chữ, đọc to để chỉ cho con xem chúng ta đã từng kể với nhau những gì.

Bạn có thể chụp lại hoạt động thực tế của con như chuyến đi công viên, buổi đi mua sách, đi siêu thị mua nguyên liệu để nấu một món gì đó. Sau đó bạn in ra, cùng con kể, ghi chép lại ngắn gọn và ghi chú ngày tháng. Vậy là chúng ta còn có một cuốn nhật ký bằng tranh thú vị trước cả khi con biết viết.

Nhật ký bằng tranh của bé

Lợi ích của nhật ký bằng tranh

Có hai lợi ích chính khi tự làm một cuốn nhật ký bằng tranh.

Đầu tiên, con nhận ra rằng có một mối liên hệ giữa những từ được nói ra và những từ được viết trên giấy. Khi con kể một câu chuyện về bức tranh và bạn viết xuống từng từ một, con sẽ hiểu rằng chữ viết có liên quan trực tiếp đến ngôn ngữ nói. Khi bạn đọc lại cho con nghe những mẩu chuyện đã thực hiện trước đó, con nhận ra chữ viết chứa đựng ý nghĩa. Con hiểu rằng bé cũng có thể giao tiếp bằng chữ viết.

Lợi ích chính thứ hai là tăng khả năng sáng tạo, rèn luyện khả năng thể hiện bản thân và tăng sự tự tin khi kể một câu chuyện, ngay cả khi bé chưa thể viết hoặc đọc.

Ngoài hai lợi ích chính trên, bạn còn đang làm mẫu cho con về hành động viết một cách tự nhiên và có chủ đích.

Quan sát cách bạn làm, con thấy rằng bạn rất hào hứng với việc viết. Đó là một hành động có mục đích và có ý nghĩa. Các chữ cái và các từ cũng có âm thanh. Trẻ luôn thích làm những gì mẹ cũng yêu thích. Vì vậy, con sẽ thấy việc viết thật gần gũi, quen thuộc và một ngày nào đó, con cũng muốn được ngồi vào bàn và viết ra giống như mẹ đã làm.

Bên cạnh đó, con được làm mẫu về dấu câu, chữ in hoa, cách viết chữ đúng vị trí trên các dòng kẻ và cả thứ tự di chuyển tay từ trái sang phải.

Tạo và chơi với một cuốn nhật ký bằng tranh như thế nào?

Chuẩn bị

  • Thu thập những bức ảnh về chủ đề con quan tâm từ tạp chí, internet hoặc in ảnh hoạt động thực tế của bé. Bạn có thể đặt các bức ảnh vào một chiếc giỏ để trên giá. Con có thể chủ động chọn một bức tranh và tự lấy xuống.
  • Chuẩn bị hồ dán, bút chì và giấy xếp trên giá để con cũng có thể tự lấy.

Cách thực hiện:

  • Gợi ý để con chọn một bức tranh.
  • Chỉ cho con cách dán bức tranh lên giấy.
  • Hỏi con xem bé nhìn thấy gì trong bức tranh. Bạn có thể nói: “Chúng ta có thể kể và viết một câu chuyện về bức ảnh này. Con sẽ kể còn mẹ thì viết ra nhé?”. Bạn cũng có thể lấy một cuốn sách tranh và chỉ cho con thấy ngoài tranh, chúng ta có những dòng chữ để đọc. Và giờ thì chúng ta có thể làm một cuốn sách giống như thế.
  • Cẩn thận và chậm rãi viết ra những gì con nói lên giấy. Khuyến khích con nói theo cụm từ, không phải từ đơn lẻ. Bạn có thể đặt câu hỏi cụ thể về bức tranh để bé trả lời. Những câu hỏi cũng sẽ giúp bé định hình kết cấu câu chuyện.
  • Khi hoàn thành, bạn hãy đọc to toàn bộ câu chuyện cho con nghe.

Ghi chú:

Trẻ 2-3 tuổi có thể nói về những thứ chẳng liên quan gì đến nhau trong bức tranh là điều bình thường. Bạn hãy kiên nhẫn quan sát. Khi được thực hành nhiều lần, con sẽ bắt đầu kể câu chuyện của mình bằng những câu hoàn chỉnh hơn.

Thậm chí, bé còn có thể hiểu một bức tranh theo nghĩa hoàn toàn khác đi. Đây cũng là một cơ hội để bạn hiểu cách nhìn nhận của con.

Chẳng hạn với bức ảnh dưới đây, mình hiểu đây là hình ảnh một cậu bé đang vui thích cười to khi đọc được một cuốn sách thú vị. Thế nhưng, em bé 3.5 tuổi của mình lại kể câu chuyện về bạn Tỉ ở lớp. Bạn đang cảm thấy rất buồn vì không được các bạn chia sẻ đồ chơi. Có lẽ trong mắt con, ngồi một mình nghĩa là không có ai chơi cùng. Và cũng có thể hình ảnh mình in ra chưa đủ sắc nét để con quan sát được biểu cảm nét mặt của nhân vật.

Bạn có thể nhẹ nhàng sửa chữa cách sử dụng ngữ pháp của con bằng cách lặp lại và viết ra những gì con nói, nhưng theo cách nói đúng. Chú ý không cần chỉ ra những lỗi sai ở đâu hay kết luận rằng chỗ này con nói sai rồi, bạn hãy làm mẫu đúng thôi nhé.

Những ý tưởng cho cuốn nhật ký kể chuyện

Dùng sổ gì?

Bạn có thể sử dụng bất cứ loại sổ nào mình có sẵn hoặc theo sở thích cá nhân. Đó có thể là:

  • Sổ vẽ phác thảo.
  • Sổ tay có sẵn dòng kẻ.
  • Tự làm sổ bằng cách gấp đôi các tờ giấy lại với nhau và ghim ở giữa để làm gáy.
  • Cùng con viết trên giấy A4 đơn lẻ rồi lưu trữ lại với nhau bằng bìa hồ sơ.

Kể câu chuyện gì?

Sau đây là một số gợi ý về chủ đề câu chuyện giúp bạn tìm hình ảnh hiệu quả hơn:

  • Giúp con gần gũi hơn với thiên nhiên bằng cách chụp ảnh thiên nhiên khi cùng con ra  ngoài khám phá hoặc sưu tầm ảnh chủ đề thiên nhiên.
  • Dựa trên các chủ đề mà con đang học ở trường mẫu giáo hoặc ngày lễ lớn.
  • Tạo giỏ câu chuyện giúp con kể chuyện trực quan sáng tạo. Gom các đồ vật nhỏ (khoảng 12 đồ vật) và cho vào một chiếc giỏ nhỏ. Cho trẻ chọn 3-4 đồ vật trong rổ. Vẽ một bức tranh về các đồ vật mà con chọn và kể một câu chuyện về chúng.
  • Khuyến khích con vẽ tự do và kể chuyện.

Dán gì trên giấy?

Không chỉ có vẽ tranh hoặc dán những bức ảnh, bạn có thể cho con trải nghiệm với rất nhiều ý tưởng như:

  • Nhặt lá cây ở công viên và cho con đồ bằng bút chì lên giấy.
  • Sưu tầm các đồ vật từ thiên nhiên để cắt dán như các loại lá cây, hoa cỏ, quả hạt…
  • Sưu tầm tạp chí cũ, tờ rơi, danh mục hàng khuyến mãi phát ở siêu thị… cho con cắt dán.
  • Các loại sticker về nhân vật mà con yêu thích.
  • In ảnh của chính con và bạn bè, người thân. Bạn cũng có thể hướng dẫn con tự chụp ảnh. Con sẽ hào hứng hơn với những gì mà con yêu thích và tự làm được.

Còn vô vàn những ý tưởng mà chỉ có những người mẹ yêu thích chơi cùng con mới có thể nghĩ ra. Nếu bạn có ý tưởng nào nữa, hãy chia sẻ cùng chúng mình luôn nhé!

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *