Ghép cặp thẻ sóng đôi – Hoạt động vừa phát triển ngôn ngữ vừa phát triển nhận thức cho bé
Hoạt động ngôn ngữ nói tiếp theo là trò chơi Ghép cặp thẻ sóng đôi. Hoạt động này cũng tương tự như ghép các bức tranh thành cặp. Tuy nhiên, trẻ sẽ không ghép các cặp giống hệt nhau mà chỉ là có liên quan đến nhau. Để có thể ghép được, trẻ cần sử dụng trí nhớ và kiến thức của mình về thế giới xung quanh, từ đó tìm ra những bức tranh nào đi cùng nhau.
Bé rất hay hỏi: “Tại sao…” khi nói về những thứ đi cùng nhau. Vì thế đây là hoạt động không chỉ phát triển ngôn ngữ mà còn phát triển nhận thức cho bé.
Mục lục
Phát triển nhận thức
Head Start Early Childhood Learning and Knowledge Center (ECLKC) định nghĩa sự phát triển nhận thức:
“Phát triển nhận thức, bao gồm các kỹ năng lý luận, ghi nhớ, giải quyết vấn đề và tư duy. Trẻ nhỏ sử dụng những khả năng này để hiểu và sắp xếp thế giới xung quanh.”
Ngoài ra, trong bài đăng của Very Well Mind về các mốc phát triển nhận thức quan trọng đối với trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, có thể thấy ở trẻ 3-4 tuổi:
“Trẻ em có khả năng phân tích thế giới xung quanh theo những cách ngày càng phức tạp hơn. Khi trẻ quan sát, trẻ bắt đầu sắp xếp và phân loại”.
Khi bạn nhận thấy con hay hỏi “tại sao” nhiều hơn, bạn có thể thực hành và phát triển hơn nữa khả năng nhận thức bằng việc ghép các bức tranh không giống nhau nhưng có liên quan đến nhau.
Những lợi ích của hoạt động ghép cặp thẻ sóng đôi là gì?
Theo trình tự của các bài học ngôn ngữ nói Montessori, các hoạt động ngày càng trở nên trừu tượng hơn. So với ghép các cặp thẻ hoàn toàn giống nhau, hoạt động này tăng thêm một mức độ phức tạp và trừu tượng, nhờ đó đem lại khá nhiều lợi ích cho sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức:
- Chuẩn bị cho viết và đọc (chuyển động từ trái sang phải)
- Làm giàu vốn từ vựng
- Giải quyết vấn đề
- Tăng khả năng diễn đạt và nói thành câu hoàn chỉnh.
Trẻ cần tư duy logic để nhận ra mối tương quan giữa các đối tượng. Trẻ cần giải thích được tại sao chúng đi cùng nhau, vì thế trẻ cần khả năng suy nghĩ, và sau đó là diễn đạt được ý tưởng của mình bằng một câu hoàn chỉnh.
Chơi ghép cặp thẻ sóng đôi như thế nào?
Bạn cần chuẩn bị một bộ thẻ khoảng 6 cặp tranh có liên quan đến nhau. Nội dung của tranh xoay quanh những sự vật, sự việc gần gũi với bé. Ví dụ đơn giản: hoa – bình hoa, đũa – thìa, quả táo – cây táo, bàn chải – kem đánh răng…
Bạn có thể tải về bộ thẻ sóng đôi này, in ra và cắt theo đường nét đứt.
Ghép cặp thẻ sóng đôi
- Bước 1: Chọn 1 thẻ trong mỗi cặp thẻ, xếp thành một hàng ngang gồm 6 thẻ.
- Bước 2: Lấy 1 thẻ bất kỳ trong số thẻ còn lại, lần lượt so sánh với từng thẻ trong hàng đã xếp và đặt xuống dưới thẻ tương ứng.
- Bước 3: Khi con hoàn thành, mẹ hỏi con xem chúng liên quan như thế nào và gợi ý để con nói thành câu hoàn chinh. Ví dụ: chúng ta đánh răng bằng bàn chải và kem đánh răng, vì vậy bàn chải và kem đánh răng là hai thứ đi cùng nhau (sóng đôi với nhau)/ Chúng ta cần mang ô khi trời mưa, vì thế ô và trời mưa là hai thứ đi cùng nhau.
Ghi chú: Nếu con ghép cặp thẻ không theo “ý đồ” của mẹ thì hãy kiên nhẫn chờ con xếp xong, lắng nghe lý giải của con rồi mới giải thích và chỉnh sửa.
Chẳng hạn bạn có cặp thẻ hoa – bình hoa, áo – mắc áo. Con ghép hoa – áo và giải thích rằng hoa này giống trên áo của mẹ. Trước tiên mẹ hãy khen ngợi con vì đã quan sát rất tốt. Sau đó giải thích do có 2 thẻ thừa ra không liên quan đến nhau nên chúng ta cần xem xét lại con nhé! Cuối cùng mẹ gợi ý: “Vậy con có muốn sắp xếp lại không?”
Ghép cặp trái cây và lát cắt bên trong của chúng
Bạn tải về file Thẻ ghép cặp trái cây và lát cắt bên trong của chúng, và cùng bé khám phá thế giới bên trong của 18 loại trái cây quen thuộc nhé!
Ghép cặp động vật và màu lông của chúng
Bạn tải về file Thẻ ghép cặp động vật trang trại và màu lông hoặc Thẻ ghép cặp động vật hoang dã và màu lông.
Khám phá thêm nhiều học liệu thú vị tại Thư viện của bé.
Sắp xếp các thẻ thành danh mục
Khi bé đã thành thạo với việc ghép thành cặp, bạn có cho bé sắp xếp các thẻ đi cùng nhau theo danh mục. Ví dụ: các môn thể thao, các sinh vật sống dưới nước, các loại phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy…
Ví dụ sắp xếp các thẻ theo từng môn thể thao. Bạn có thể chọn khoảng 4 bức ảnh cho mỗi môn thể thao và chơi trò phân loại. Ví dụ với chủ đề môn bóng đá, bên dưới ảnh quả bóng đá, bạn có thể có 4 ảnh khác nhau về cầu thủ bóng đá, bàn thắng, gôn bóng hoặc sân bóng đá.
Điều quan trọng nhất là những chủ đề cần vừa sức và hấp dẫn với con. Khi cùng con chơi qua nhiều chủ đề, bạn cũng sẽ nhận thấy chủ đề nào là mới mẻ với con. Với những chủ đề hơi quá sức, bạn hãy sử dụng đồ vật thật, đưa con đi cảm nhận trực tiếp ngoài đời sống thực, bài học sẽ trở nên sống động và hào hứng hơn nhiều.
Chẳng hạn, thông qua thẻ các môn thể thao, bạn nhận ra môn bóng đá còn xa lạ với con. Bạn có thể dẫn con đi xem một trận đấu, xem mọi người chơi ở ngoài công viên, cho con được sờ chạm và tập đá, chơi với bóng.
Hoạt động ghép cặp đi cùng nhau luôn khuyến khích bạn và con trò chuyện nhiều hơn và khiến trẻ bật ra nhiều câu hỏi hơn. Nhờ đó bạn dễ dàng kết nối với con, đồng thời cùng con khám phá thế giới xung quanh một cách thú vị và hấp dẫn.
Sau hoạt động này, bạn hãy cùng con bước sang hoạt động nhận biết trình tự.