Hoạt động gieo vần
Chúng ta thường ghi nhớ những bài thơ một cách dễ dàng vì những câu thơ luôn có vần điệu. Hoạt động gieo vần là cách thu hút trẻ tập lắng nghe và nhận biết những từ có âm thanh ở cuối giống nhau. Ví dụ “táo” và “cáo” được gọi là gieo vần với nhau.
Khi trẻ nghe thấy hai từ có âm thanh tương tự nhau ở cuối, vần giống nhau đó giúp chia các từ thành những phần nhỏ hơn. Từ đó, trẻ làm quen với việc xác định chính xác âm thanh cấu tạo nên từ.
Chuẩn bị cho hoạt động gieo vần
- Thảm sàn
- Bộ thẻ gieo vần hoặc giỏ đồ vật có vần
Khi mới bắt đầu làm quen với hoạt động này, bạn nên sử dụng giỏ đồ vật. Những đồ vật thực tế có thể cầm nắm được, sờ chạm được mang lại cho trẻ cảm nhận đầy đủ về thị giác, xúc giác, thậm chí cả thính giác và vị giác. Vì thế, trẻ hứng thú và chú ý hơn.
Những bộ thẻ thì cần có hình ảnh mà trẻ gần gũi hoặc đã biết. Đó có thể là những thẻ từ vựng mà trẻ đã chơi từ trước.
Mẹ có thể sử dụng bộ thẻ gieo vần mà ngonngucuabe.com đã chuẩn bị tại đây.
Cách thực hiện hoạt động gieo vần
- Bước 1: Chuẩn bị thẻ. Hàng thứ nhất: Mẹ lần lượt xếp 3 đồ vật/thẻ gieo vần lên thảm theo thứ tự từ trái sang phải (cây, lá, cò) và mời trẻ xếp nốt 3 đồ vật/thẻ gieo vần còn lại (cáo, len, gà).
- Bước 2: Gợi mở. Mẹ trò chuyện với trẻ để gợi mở cách thực hiện. Gợi ý: Trước khi khám phá những đồ vật/bộ thẻ ở hàng dưới chúng ta cùng trò chuyện nhé! Ở lớp con hay chơi với bạn Mít. Ở gần nhà mình có bạn Tít. Mít và Tít nghe giống nhau con nhỉ! (Mẹ nhấn mạnh vần “ít”). Vì thế tên của bạn Mít và bạn Tít được gọi là gieo vần với nhau. Bây giờ, chúng mình cùng khám phá tiếp nhé!
- Bước 3: So sánh từng cặp thẻ. Ở hàng thứ hai, mẹ cầm đồ vật/thẻ bất kỳ trong số còn lại, lần lượt so sánh với các đô vật/thẻ ở hàng một theo thứ tự từ trái sang phải: “táo” với “cây”, “táo” với “lá”, “táo” với “len”… Khi tìm được đồ vật/thẻ tương ứng, mẹ đặt đồ vật/thẻ đó xuống dưới. Sau đó, mẹ mời con thực hiện.
- Bước 4: Xem lại kết quả. Khi trẻ thực hiện xong, mẹ cùng trẻ xem lại quá trình thực hiện: “Hoàn thành rồi này, mình cùng xem lại nhé!”. Mẹ chỉ từng cặp thẻ: “Mẹ có “táo”, con tìm và ghép đúng với “cáo””. Mẹ đọc 2 lần giống nhau: “táo – cáo”. Tương tự với các cặp còn lại. Con có muốn hoạt động thêm lần nữa không?
- Bước 5: Cất dọn. Mẹ mời trẻ cất dọn theo thứ tự cất hết hàng trên rồi mới đến hàng dưới, sau đó tráo thẻ.
Ghi chú:
- Tại bước 3, việc so sánh từng cặp đồ vật/thẻ rất quan trọng. Việc này khác với chọn đồ vật/thẻ và đặt ngay vào vị trí tương ứng. Mẹ không nên yêu cầu trẻ chọn ngay thẻ “táo” trong số thẻ còn lại để đặt dưới thẻ “cáo”. Hãy so sánh từ từ, kiên nhẫn nhé!
- Bước 4 cũng không nên bỏ qua mẹ nhé! Đây là lúc trẻ nhìn lại toàn bộ quá trình thực hiện, đồng thời con được lắng nghe các cặp vần lặp đi lặp lại.
Bạn có thể cùng con chơi trò chơi về vần điệu bất cứ lúc nào có thể. Chẳng hạn, khi tắm cho con trong phòng vệ sinh, bạn đố con tìm được đồ vật nào trong phòng có gieo vần với một từ bất kỳ (Ví dụ: xô – con trả lời: bô). Bên cạnh đó, bạn hãy cùng con đọc thơ, đọc những bài đồng dao thường xuyên để giúp con hình thành cảm nhận về vần điệu nhé!
Những luyện tập ban đầu này sẽ giúp bé có cảm nhận về vần điệu, từ đó con có thể nhận biết âm đầu, âm cuối một cách dễ dàng hơn.