Phát triển ngôn ngữ

Hoạt động phân loại

Kỹ năng phân loại rất quan trọng trong không chỉ trong quá trình phát triển ngôn ngữ mà còn đối với sự phát triển khả năng tư duy logic và suy luận của trẻ.

Trẻ phân loại như thế nào?

Nói một cách đơn giản nhất, phân loại có nghĩa là tổ chức các đối tượng theo các đặc điểm giống nhau.

Khả năng phân loại có thể bắt đầu ngay từ khi trẻ mới biết đi, bạn có thể thấy trẻ đặt tất cả các khối màu xanh lam, khối màu đỏ và khối màu vàng vào các chồng tương ứng. Lúc này bé thậm chí còn chưa biết gọi tên từng màu, nhưng bé hoàn toàn có thể quan sát và nhận ra sự khác biệt giữa chúng.

Các em bé cực kỳ nhanh nhạy trong việc chọn ra những thứ không vừa vặn với những thứ còn lại. Đó là một quá trình gồm hai bước. Trước tiên, bé phải xác định được thuộc tính giống nhau của các đối tượng (chẳng hạn màu sắc). Và sau đó, bé chọn ra đối tượng phù hợp với thuộc tính đó.

Hoạt động phân loại

Việc phân loại trở nên phức tạp hơn khi trẻ bắt đầu nhận thấy rằng các vật có thể có chung một số thuộc tính nhưng lại khác nhau ở những thuộc tính khác. Ví dụ, những chiếc cúc áo có thể được sắp xếp theo màu sắc (xanh, đỏ, tím, vàng…) hoặc hình dạng (tròn, vuông, tam giác…). Khi phân loại các đối tượng theo nhiều cách khác nhau dựa vào từng đặc điểm cụ thể, trẻ được củng cố khả năng quan sát chặt chẽ.

Khả năng phân loại của trẻ theo độ tuổi

Trẻ 18-36 tháng thường tập trung vào những đặc điểm rất rõ ràng. Ví dụ: phân loại cúc áo, các loại trái cây, rau củ theo màu sắc, kích thước và hình dạng. Bạn có thể tạo các rổ đồ vật gồm cúc áo các màu, các mô hình trái cây đồ chơi nhỏ, các đồ vật nhỏ hình vuông, tròn, tam giác…

Trẻ 3-6 tuổi sẽ bắt đầu nhìn các đồ vật với khả năng phân biệt theo những đặc điểm trừu tượng hơn. Chẳng hạn mặc dù cam và chanh có màu sắc khác nhau, nhưng đều là trái cây họ cam quýt. Hoặc bé có thể nhận ra rằng các loài côn trùng mặc dù rất khác nhau về ngoại hình, nhưng tất cả đều có ba bộ phận cơ thể và sáu chân.

Lúc này, bạn có thể cho trẻ làm quen với hoạt động ghép cặp thẻ sóng đôi. Khác với hoạt động đối sánh (trẻ ghép cặp các thẻ hoặc đồ vật giống hệt nhau), với hoạt động phân loại trẻ sẽ ghép cặp những thẻ/đối tượng nhìn khác nhau nhưng có liên quan đến nhau. Ví dụ: ghép cặp bàn chải – kem đánh răng, quần – áo, tất – giày… Tiếp đó, chúng ta mở rộng hoạt động phân loại bằng cách cho trẻ sắp xếp các thẻ/đối tượng thành danh mục như các sinh vật sống dưới biển, các con vậ họ mèo, các môn thể thao…

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *