
4 hoạt động cùng con tập kể chuyện đơn giản mà thú vị
Khi con được khoảng 3 tuổi, bạn sẽ nhận thấy con không chỉ thích nghe mẹ kể chuyện nữa mà còn muốn tự kể câu chuyện của chính mình. Đây chính là lúc bạn tạo điều kiện để con tự tin thể hiện nhu cầu tự nhiên đó.
Hoạt động tập kể chuyện rất cần thiết cho sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Bạn có thể thấy trẻ được rèn luyện rất nhiều kỹ năng và hình thành những nền tảng ban đầu với ngôn ngữ:
- Nuôi dưỡng tình yêu với ngôn ngữ, với sách truyện, với các hoạt động ngôn ngữ về sau như viết và đọc.
- Tự tin thể hiện suy nghĩ của bản thân.
- Nuôi dưỡng trí tưởng tượng và tính sáng tạo.
- Rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
- Rèn luyện kỹ năng quan sát, liên hệ các sự vật, sự việc để tạo thành câu chuyện.
Mục lục
Hoạt động kể chuyện 1: Tập kể chuyện bằng hình ảnh
Bước 1: Chuẩn bị
- Giấy
- Bút chì
- Hồ dán
- Hình ảnh. Bạn có thể tìm hình ảnh từ các tạp chí hoặc sưu tầm trên mạng.
Bước 2: Cho con dán hình ảnh lên giấy.
Bước 3: Con kể chuyện.
Bạn gợi ý con kể một câu chuyện về những gì bé nhìn thấy trong bức tranh. Bạn có thể đặt câu hỏi nếu bé cần giúp đỡ. Ví dụ con thấy ai/con gì/cái gì trong ảnh? Khuyến khích con nói các cụm từ, thay vì các từ đơn lẻ. Sau khi nắm được ý của con, bạn diễn giải lại ngắn gọn bằng câu đầy đủ.
Bước 4: Bạn viết ra câu chuyện của con.
Bạn viết ra giấy những gì vừa diễn giải bằng lời, đồng thời làm mẫu cho con về tư thế, chữ viết, ngữ pháp và dấu câu. Cuối cùng bạn đọc lại câu chuyện một lần nữa cho con nghe. Bước này mang ý nghĩa giúp con nhận thức về mối liên hệ giữa lời kể và văn bản. Bạn có thể bỏ qua nếu thấy không cần thiết.
Việc đọc lại câu chuyện này rất quan trọng. Con đang tập luyện về cách diễn đạt ý và trật tự các thành phần trong câu. Bạn đang làm mẫu cho con về cách nói một câu hoàn chỉnh và đúng trật tự.
Mở rộng hoạt động này, bạn có thể cùng con thực hiện cuốn nhật ký bằng tranh kết nối ngôn ngữ nói và viết.
Hoạt động kể chuyện 2: Vẽ tranh và kể chuyện
Bạn hãy khuyến khích con vẽ một bức tranh và kể cho bạn nghe những gì con đã vẽ. Hoạt động này tương tự như hoạt động kể chuyện 1. Nếu con tỏ ra chưa hứng thú với vẽ tranh, bạn có thể đưa ra gợi ý dựa trên những đồ vật, nhân vật con yêu thích hoặc một hoạt động nào đó con đã trải nghiệm.
Ví dụ, con tỏ ra rất hứng thú với côn trùng sau khi xem sách bách khoa sinh vật và không ngừng nói về “bọ vòi” với mẹ (con bọ do con tự đặt tên). Bạn có thể gợi ý với con: “Sau khi ăn sáng mình vẽ bọ vòi đi!”. Con đồng ý ngay, ăn sáng xong là hăm hở chọn giấy bút đem về bàn. Vừa vẽ bạn có thể vừa gợi ý con phát triển câu chuyện như “Bọ vòi đang ở đâu?”/ “Trong rừng ạ!”/ “Trong rừng có gì con nhỉ?”/ “Có nhà của bọ vòi, có rất nhiều nấm, có mặt trời… à có mưa đi!”.
Và thế là câu chuyện chú bọ vòi màu vàng sống trong một khu rừng có đầy nấm và ánh mặt trời ấm áp ra đời. Một ngày nọ, chú đi dạo trong rừng và bắt gặp một cơn mưa to. Chú khoan khoái hút những giọt nước mưa mát lành bằng chính chiếc vòi của mình. Câu chuyện đơn giản, bức tranh nghuệch ngoạc tầm 3 phút, nhưng đó là cách con nhìn nhận về thế giới xung quanh và tập thể hiện bằng ngôn ngữ hình ảnh và cả lời nói.

Về hoạt động tập vẽ, trẻ từ 3-4 tuổi có khả năng vừa vẽ vừa gán ý nghĩa cho hình vẽ và tiến dần đến hình dung bằng ngôn ngữ trong đầu trước, rồi mới quyết định sẽ vẽ gì. Những gợi ý của bạn chính là hướng dẫn vẽ cho trẻ ở giai đoạn này, chứ không phải dạy con cách vẽ những đường nét của người lớn mới được coi là học vẽ. Trẻ cần được tự do thể hiện những điều con hình dung về cuộc sống.
Hơn nữa, không giống như những bức tranh người lớn vẽ là để im lặng suy ngẫm và thưởng thức, tranh của trẻ là là những nét vẽ cần được gợi mở, được hỏi han bằng sự quan tâm chân thật và được khuyến khích kể chuyện thì mới hiểu được ý nghĩa.

Hoạt động kể chuyện 3: Kể lại câu chuyện bằng đồ vật đi kèm với cuốn sách
Nếu con chưa sẵn sàng vẽ tranh hoặc kể câu chuyện của riêng mình, bạn có thể thử kể lại một câu chuyện trong cuốn sách tranh mà con yêu thích.
Nếu có thời gian, bạn có thể chuẩn bị một sân khấu đơn giản để kể chuyện thật sinh động và hào hứng. Nếu không có thời gian cũng chẳng sao, bạn có thể tìm những đồ vật nhỏ trong nhà, chẳng hạn đặt tên cho viên đá màu đỏ là cô bé quàng khăn đỏ, viên đá màu xám sẽ là sói xám, bao diêm là chiếc giường, tờ khăn giấy chính là chiếc chăn của bà…
Vậy là đã có đủ đạo cụ cho câu chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ” rồi phải không? Những em bé rất sáng tạo và thích tưởng tượng. Có khi bạn chỉ cần “khơi mào”, con sẽ hăng hái đi tìm đạo cụ về cho bạn ngay đó!
Đầu tiên, bạn cầm các đồ vật trên tay, vừa kể vừa tạo ra các âm thanh khác nhau như tiếng động vật, tiếng đồ vật va chạm vào nhau, tiếng bước chân, gió thổi….
Khi con bắt đầu hứng thú (bạn có thể thấy gương mặt con như bừng sáng!), bạn để con chơi với các đồ vật và một lúc nào đó con sẽ tự kể câu chuyện của mình.
Hoạt động kể chuyện 4: Kể chuyện tưởng tượng với giỏ đồ vật
Sau hoạt động kể chuyện thứ 3, con đã hình dung được về cách kể một câu chuyện. Giờ thì bạn có thể thử tăng độ khó bằng hoạt động kể chuyện tưởng tượng với đồ vật. Khó hơn là bởi con cần chọn được đồ vật, liên kết vai trò của các đồ vật với nhau để “bịa” ra câu chuyện của chính mình và vẽ một bức tranh về câu chuyện đó.
Bước 1: Sưu tầm giỏ đồ vật
Tìm các đồ vật nhỏ mà con yêu thích. Đó có thể là:
- Mô hình động vật
- Búp bê
- Mô hình phương tiện giao thông
- Mô hình các loại thực phẩm như bánh mì, các loại rau củ quả
- Hoa, lá cây thu thập được khi chơi ngoài trời
- Mô hình đồ gia dụng (chổi, cây lau nhà, cốc, bát, ghế, xô)
Con có thể kết hợp nhiều đồ vật với nhau để tạo thành vô số ý tưởng làm điểm khởi đầu cho câu chuyện.

Bước 2: Con kể chuyện với đồ vật
Để con chọn khoảng 3-5 đồ vật mà bé muốn sử dụng để tạo nên một câu chuyện.
Nếu con chưa tìm được ý tưởng, bạn có thể gợi ý bằng cách trò chuyện về những đồ vật mà con đã chọn. Những đồ vật đó có công dụng gì, có kết hợp được với nhau hay không?
Ví dụ, con nhặt một chiếc ghế, một cái nồi và một chai coca. Bạn có thể hỏi: “Ai ngồi trên ghế nhỉ?” “Bà phù thủy ạ!” “Bà phù thủy cần cái nồi để làm gì thế?” “Bà í ngồi trên ghế, nấu thuốc bằng nồi và đổ vào chai coca đấy mẹ!”. Và thế là câu chuyện bắt đầu, dù hơi u ám!

Bước 3: Vẽ một bức tranh về câu chuyện
Tiếp theo, bạn gợi ý để con vẽ một bức tranh về câu chuyện con vừa kể. Nếu con chưa sẵn sàng để vẽ một bức tranh, bạn có thể bỏ qua bước này và quay lại vẽ vào một thời điểm khác.
Sau khi con vẽ tranh, bạn có thể đặt câu hỏi hoặc cùng con tưởng tượng thêm về câu chuyện.
Bước 4: Con kể câu chuyện và bạn viết ra
Bạn có thể sắp xếp lại những gì con vừa diễn giải cho dễ hiểu rồi mới viết ra. Con có thể rất hứng thú với việc đặt tên cho từng đối tượng trong tranh và ngắm nghía cách mẹ chú thích tên bằng chữ ở bên cạnh.
Tập kể chuyện có nghĩa là hoạt động cần được luyện tập theo thời gian. Sẽ đơn giản hơn nhiều nếu tập kể chuyện trở thành thói quen hàng ngày của con. Bạn có thể tìm ra một thời điểm nào đó phù hợp trong ngày để bắt đầu hình thành thói quen. Đó có thể là thời điểm trước khi đi ngủ, mẹ và con sẽ cùng chơi trò kể chuyện. Và bạn quy ước với con: mẹ kể trước rồi đến con nhé!

