Nhận biết âm thanh cơ bản trong tiếng Việt
Mục lục
Tại sao nhận biết âm thanh lại quan trọng?
Khi tiếp cận theo Montessori, trẻ luôn là người chủ động học hỏi và tự mình thực hiện. Nếu tạo dựng từ ngữ giống như xây dựng một ngôi nhà thì nhiệm vụ của người lớn chúng ta chỉ là cung cấp nguyên vật liệu, hỗ trợ để trẻ tự mình xây dựng. Trẻ cần nhận biết được đâu là những thành phần mình cần để có thể ghép nối, tạo dựng nên ngôi nhà đó.
Ngôn ngữ nói của chúng ta được tạo thành từ những âm thanh riêng biệt. Mỗi âm thanh này cũng giống như một nguyên liệu cần cho việc tạo dựng ngôn ngữ.
Khi chúng ta giúp trẻ nhận biết âm thanh riêng lẻ trong ngôn ngữ nói cũng chính là đang trao cho trẻ những viên gạch đầu tiên để trẻ tự xây nên ngôi nhà ngôn ngữ của chính mình.
Nói cách khác, chỉ khi tách biệt được những âm thanh riêng lẻ trong một từ, trẻ mới có thể ghép các chữ cái để tạo thành từ đó.
Vậy thì, có những âm thanh nào trong tiếng Việt?
Phân loại âm thanh
Trong ngôn ngữ nói, âm thanh được chia làm 2 nhóm: nguyên âm và phụ âm.
- Nguyên âm: a, e, ê, o, ô, ơ, u, i. Ngoài ra, ă, â được xem là bán nguyên âm do những chức năng tương tự phụ âm của nó. Tuy vậy, về mặt phát âm để nhận biết âm thanh, chúng ta vẫn xếp chúng vào nguyên âm.
- Phụ âm gồm hai loại:
- Phụ âm đơn: b, c, d, đ, h, t, v…
- Phụ âm ghép: ch, ph, ng, nh, kh, qu, tr, gi…
Nguyên âm được xem là có sẵn. Những em bé sơ sinh đã có khả năng tạo ra nguyên âm. Bạn có thể thấy nghe thấy rất rõ những nguyên âm do bé tạo ra như âm a, e trong tiếng trẻ khóc.
Phụ âm lại là những âm con cần học thông qua việc lắng nghe, quan sát khẩu hình miệng từ người lớn, từ môi trường xung quanh con, rồi bắt chước. Để phát âm đựợc phụ âm, con cần học cách kết hợp được môi, răng và lưỡi.
Trong phụ âm lại có một số âm dễ gây nhầm lẫn do được quy định cách phát âm khác nhau, nhưng trong cuộc sống hàng ngày chúng ta có thói quen phát âm giống nhau:
- Âm /s/ và /x/
- Âm /r/, /d/, /gi/
- Âm /ch/ và /tr/
Để khắc phục nhầm lẫn này, việc duy nhất chúng ta có thể làm là phát âm rõ ràng các từ chứa âm này ngay trong cuộc sống hàng ngày. Trẻ cần nghe thấy sự khác nhau giữa các âm đó. Đồng thời, thông qua quá trình đọc sách, truyện… dần dần trẻ sẽ phân biệt được theo thời gian.
Thứ tự giới thiệu các âm
Khi giới thiệu âm thanh cho con, chúng ta đi từ dễ đến khó, bắt đầu với các nguyên âm trước.
Đó là các nguyên âm: a, o, ô, ơ, i, e, ê, u, ư.
Riêng 2 nguyên âm ă và â chúng ta nên để giai đoạn sau này mới giới thiệu cho trẻ. Lý do là bởi sau phần này, trẻ sẽ làm quen với thanh dấu trong tiếng Việt. Lúc này, trẻ sẽ bối rối trong cách sử dụng á và ă, ớ và â.
Tiếp theo, chúng ta bắt đầu giới thiệu các phụ âm cơ bản (b, c, d, đ, g, h, l, m, n, p, r, s, t, v, x).
Cuối cùng, chúng ta giới thiệu các phụ âm ghép (ch, ng, nh, th, kh, qu, ph, tr, gi).
Con nhận biết được âm nào, song song với đó, chúng ta có thể giới thiệu chữ nhám của âm đó.
Bám sát theo thứ tự giới thiệu âm thanh này, chúng ta có những hoạt động nhận biết âm thanh tiếng Việt cho trẻ, bao gồm:
- Nhận biết âm cuối
- Nhận biết âm đầu
- Nhận biết âm đầu và âm cuối