Phát triển ngôn ngữ

Làm thế nào để giúp con nhận biết âm đầu, âm cuối?

Bạn đã biết thứ tự giới thiệu các âm thanh cơ bản trong tiếng Việt cho con. Bây giờ là các bước cụ thể để giúp con lắng nghe có chủ đích, nhận ra một âm cơ bản, và vị trí mà âm đó đứng riêng biệt trong một từ.

Chúng ta sẽ bắt đầu với âm cuối vì khi phát âm một từ, trẻ nghe được âm cuối đến sau, do đó dễ đọng lại trong trí nhớ của trẻ hơn. Nhân biết âm cuối tương ứng với nhận biết các nguyên âm. Nhận biết âm đầu tương ứng với nhận biết các phụ âm. Phụ âm nào giới thiệu trước, phụ âm nào sau, bạn giới thiệu cho con theo thứ tự đã biết ở bài trước.

Nhận biết âm cuối

Ban đầu, chúng ta sử dụng những đồ vật nhỏ mà con có thể quan sát, sờ chạm bằng tay để con tập trung và hứng thú hơn. Tiếp đó, có những từ mà ta khó có thể tìm được đồ vật nhỏ để minh họa, chúng ta sử dụng các thẻ hình ảnh.

Ngôn ngữ của bé có file Bộ thẻ hình ảnh nhận biết âm thanh, gồm tất cả các âm cơ bản trong tiếng Việt. Bạn có thể in ra và sử dụng khi không chuẩn bị được đồ vật nhé!

Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày, bạn có thể cùng con nhận biết âm thông qua lời nói mà không cần đồ vật hay hình ảnh minh họa.

Nhận biết âm cuối sử dụng đồ vật nhỏ hoặc thẻ hình ảnh

Chúng ta có một giỏ chứa khoảng 10-12 đồ vật quen thuộc. Tên của những đồ vật này được cấu tạo bằng 2 âm (1 phụ âm + nguyên âm đơn và không có dấu), ví dụ như xe, bơ, na, xô, lê…

Ghi chú: Khác với các thẻ từ vựng, bài thơ, câu đố… ở phần mở rộng vốn từ, bạn có thể sắp xếp trên giá kệ để trẻ có thể tự do lấy xuống, tại thời điểm ban đầu này, bạn nên để giỏ đồ vật ở nơi ngoài tầm với của con, nhằm giúp cho bài học đầu tiên về nhận biết âm này trở nên mới lạ hơn.

nhận biết âm thanh
Giỏ đồ vật giúp trẻ nhận biết âm thanh trực quan

Bước 1: Gọi tên đồ vật

Bạn cùng con lần lượt lấy từng đồ vật ra xếp thành hàng trên thảm hoặc trên bàn, gọi tên và thống nhất tên gọi của từng đồ vật. Bạn chú ý giản lược tên gọi để con tập trung chú ý vào từ cần nhận biết âm cuối. Ví dụ: quả na, bạn chỉ nên gọi là “na”.

Bước 2: Giới thiệu âm cuối: n-a-a

Bạn cầm đồ vật đầu tiên lên và nói: “Khi mẹ nói na, mẹ sẽ kéo dài âm cuối ra, con nghe kỹ âm cuối nhé!”

“n-a-a, con nghe thấy âm gì ở cuối?”

Trường hợp con vẫn không nghe ra được âm /a/, mẹ cần giúp con nhận biết thế nào gọi là âm cuối.

“Con có nghe thấy /a/ khi mẹ nói na không?”. Lúc này con mới hiểu đâu là âm cuối.

Bạn cùng con đi lần lượt hết các đồ vật trên thảm.

Bước 3: Chỉ cho mẹ

“Bây giờ, mẹ đang nghĩ đến 1 đồ vật có âm cuối là /e/, con hãy chỉ (hoặc lấy ra) cho mẹ đồ vật có âm cuối là /e/?”

Con sẽ chỉ hoặc nhặt cho bạn những đồ vật có âm cuối là /e/ xếp riêng ra một hàng. Bạn có thể giảm số lượng đồ vật xuống nếu thấy con bối rối.

Bước 4: Âm cuối là gì?

Khi con đã thành thao với bước 3, bạn tiếp tục giơ một đồ vật lên và hỏi: “Ngô, âm cuối là gì con nhỉ?”.

Bạn có thể thấy các bước từ 2 đến 4 chính là 3 bước cơ bản của bài học 3 bước. Vì thế, nếu con gặp khó khăn ở bước nào, bạn hãy quay lại bước liền trước đó. Ví dụ, khi bạn hỏi con âm cuối của ngô là gì mà con chưa trả lời được, bạn hãy cũng con quay lại chơi ở bước 3 với âm /ô/ đó.

Đối với nhận biết âm bằng thẻ hình ảnh, bạn làm tương tự các bước trên.

Nhận biết âm cuối bằng lời

Chính vì hoạt động này chỉ cần sử dụng lời nói mà không cần chuẩn bị bất cứ học liệu nào, nên bạn có thể linh hoạt áp dụng trong các tình huống hang ngày. Bạn có thể trò chuyện, hỏi đáp cùng con hoặc đưa ra yêu cầu nhận biết âm cuối dưới dạng một câu đố. Sau đây là một số tình huống gợi ý:

  • Bạn và con ở trong phòng khách/phòng ngủ/phòng bếp/tắm trong phòng vệ sinh nhà mình
  • Bạn và con đang xếp hang chờ thanh toán/chờ khám bệnh/chờ tiêm chủng
  • Cùng con đi công viên, đi dạo phố

Bạn có thể trò chuyện với con:

  • “Mẹ vừa nhìn thấy quả bơ, b-ơ-ơ. Đố con biết âm cuối là gì?”
  • “Mẹ đang nghĩ đến tên một đồ vật ở trong phòng, có âm cuối là /a/. Con thử đoán xem đồ vật đó là gì?
  • “Mình cùng chơi một trò chơi. Con hãy chọn một âm. Mẹ con mình lần lượt kể tên những đồ vật có trong căn phòng này, có âm cuối là âm đó nhé! Mẹ nói trước hay con nói trước nào?”

Sau khi con đã nhận biết được một số âm cuối là nguyên âm, chúng ta có thể giới thiệu cho con chữ cái giấy nhám với các nguyên âm đó. Bạn có thể bắt đầu bằng lời mời: “Con có nhớ âm cuối khi mình nói “xe” là gì không?”. Con sẽ trả lời /e/. Vậy con có muốn biết hình dạng âm /e/ trông như thế nào không?

Nhận biết âm đầu

Nhận biết âm đầu sử dụng đồ vật nhỏ hoặc thẻ hình ảnh

Chúng ta sử dụng một giỏ đồ vật với các đồ vật có âm đầu dễ nghe, dễ nhận dạng như cá, gà, lá…

Bước 1: Gọi tên

Bạn cùng con lần lượt lấy từng đồ vật ra xếp thành hang trên thảm hoặc trên bàn, gọi tên và thống nhất tên gọi của từng đồ vật. Bạn chú ý giản lược tên gọi để con tập trung chú ý vào từ cần nhận biết âm đầu. Ví dụ: lá phong, bạn chỉ nói “lá”

Bước 2: Giới thiệu âm đầu: l-l-á

Bạn cầm đồ vật lên và nói: “Con quan sát miệng của mẹ và nghe kỹ  nhé: l-l-á!”. Thường con vẫn nói ra âm cuối một cách hồ hởi: “/á/. Mẹ hãy giúp con tập trung vào âm thanh đầu tiên, phân biệt đầu và cuối bằng cách nói với con: “Mẹ sẽ lặp lại âm đầu nhé!”

Lúc này, bạn chú ý phát âm rõ ràng, lặp lại âm đầu 2 lần và để âm đầu đứng tách biệt, giúp con dễ dàng bắt chước hơn.

Bạn cùng con đi lần lượt các đồ vật trên thảm

Bước 3: Chỉ cho mẹ

Mẹ đang nghĩ đến 1 đồ vật có âm đầu là /g/, hãy chỉ cho mẹ đồ vật có âm đầu là /g/

Đố con biết đồ vật nào có âm đầu là /g/

Bước 4: Âm cuối là gì?

Mẹ giơ một đồ vật lên và hỏi: “Gấu, âm đầu là gì con nhỉ?”

Nhận biết âm cuối bằng lời

Đối với nhận biết âm cuối bằng thẻ hình ảnh, nhận biết âm cuối bằng lời, bạn làm tương tự như đối với nhận biết âm đầu.

Lúc này, bạn có thể giới thiệu cho con chữ nhám của những phụ âm đơn tương ứng với lời mời: “Con có muốn biết hình dạng của âm /b/ không?”

Nhận biết âm đầu và âm cuối

Sau khi con đã nhận biết tốt lần lượt âm đầu và âm cuối, bạn đưa ra một từ và đề nghị con nói ra những âm mà con nghe được. Đến đây, con đã có thể nghe được, và nhận biết được vị trí của các âm thanh cơ bản trong tiếng Việt, cấu tạo nên một từ.

Một bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *