Nhận biết thanh điệu trong tiếng Việt
Sau khi con đã phân biệt được âm đầu, âm cuối trong một từ và ghi nhớ tốt các nguyên âm bằng chữ nhám, bạn bắt đầu giới thiệu cho con về thanh điệu trong tiếng Việt.
Bạn có nhớ cách chúng ta được học đánh vần từ hồi nhỏ xíu học lớp vỡ lòng? Khi ấy, mình được cô dạy c-a-ca-sắc-cá. Thế là mình bắt chước đọc theo vậy thôi! Mình đâu biết ủa sao đang “ca”, sắc một cái thành “cá” liền vậy nhỉ? Một phần vô thức nào đó, chắc hẳn mình cũng đã cảm nhận được về mặt ngữ điệu, thế nào là dấu sắc, dấu huyền.
Và bây giờ, mình đã học được cách giải thích vì sao mà ngày ấy “ca sắc cá”. Đó là chỉ dẫn cho con cách cảm nhận từng thanh dấu có thể biến đổi ngữ điệu của một âm thanh như thế nào.
Trong tiếng Việt có 6 thanh điệu như sau. Chúng ta sẽ mô tả sự thay đổi ngữ điệu bằng từ ngữ và bằng cả cơ thể.
- Bằng: là âm thanh đi ngang giống như khi chúng ta phát âm các nguyên âm cơ bản: a, o, e, i… Khi mô tả cho con thấy, bạn đọc rõ từng nguyên âm và đặt cánh tay ngang bằng trước ngực.
- Sắc: âm thanh được đưa lên cao vút: a, á. Bạn chếch cánh tay đi từ ngực lên cao theo hình dấu sắc.
- Huyền: âm thanh được kéo chùng xuống: a – à. Bạn chếch cánh tay hướng từ ngwucj xuống phía dưới theo hình dấu huyền.
- Hỏi: âm thanh được uốn cong: a – ả. Bạn dùng cả bàn tay và cánh tay uốn thành hình dấu hỏi, bắt đầu từ vị trí ngang ngực.
- Ngã: âm thanh được lượn sóng: a – ã. Bạn dùng cả bàn tay và cánh tay lượn thành hình dấu ngã, bắt đầu từ vị trí ngang ngực.
- Nặng: âm thanh bị đánh rơi xuống đất: a – ạ. Bạn nắm tay thành nắm đấm, làm động tác cho nắm đấm rơi thật mạnh từ vị trí ngang ngực xuống.
Sau đây là 4 hoạt động đi tuần tự đối với mỗi thanh điệu. Bạn hãy từ từ giới thiệu với con nhé! Chúng mình sẽ ví dụ với thanh sắc. Các thanh còn lại bạn làm tương tự.
Mục lục
Hoạt động 1: Lắng nghe để trải nghiệm thanh điệu
Bước 1: Bạn đặt tay ngang ngực. Cho con thấy sự thay đổi về thanh điệu từ thanh bằng vút lên cao. Cánh tay bạn đi từ ngực lên cao, chếch thành hình dấu sắc. Chú ý vị trí ngồi của bạn với con sao cho con quan sát được cánh tay bạn đúng hình của dấu. Bạn nói với con: “Bây giờ mẹ sẽ cho âm a vút lên cao nhé! a, á!”. Bạn ngân từ a đến á chậm và giọng cao dần.
“Con nhận thấy nó tạo thành âm gì?” Á.
Lần lượt với các nguyên âm khác.
Bước 2: “Bây giờ mẹ đưa ra một âm, khi mẹ đưa tay lên, con cho âm đó lên cao tít đến trần nhà nhé! Sau đó, con sẽ nói âm tạo thành”. Ở bước này, bạn có thể đưa cho con chữ nhám của một âm. Con cầm chữ nhám đó di chuyển từ ngực lên tít trên cao. Lúc này, bé con có thể vui vẻ trèo cả lên ghế để mô tả cho mẹ con có khả năng đưa âm a lên cao cỡ nào.
Hoạt động 2: Giới thiệu tên gọi của thanh dấu
“Chúng ta có một công cụ để đưa một âm lên cao vút, đó là gì con biết không? Mình gọi là dấu sắc nhé! Từ bây giờ mỗi khi muốn đưa một âm lên cao con sẽ bảo như này nhé: a sắc á, o sắc ó…”
“Mẹ sẽ đưa ra một âm và dấu sắc, đố con nói âm tạo thành!”
Hoạt động 3: Giới thiệu hình dạng của thanh dấu
“Thế con có muốn biết hình dạng của dấu sắc như thế nào không?”
Bước 1: Bạn sử dụng dấu sắc bằng giấy nhám để trẻ cảm nhận.
Chú ý: Khi mô tả ngữ điệu của dấu sắc, chúng ta đã di chuyển tay từ vị trí ngang ngực chếch lên cao. Tuy nhiên, khi viết dấu sắc, ta lại đánh dấu sắc từ trên xuống dươi. Lúc này, bạn có thể giải thích một chút cho trẻ về sự khác nhau này. Bạn nói rõ với con: Đây là cách viết dấu sắc, sau đó làm mẫu cho con quan sát trên dấu sắc nhám, hoặc viết trên giấy.
Bước 2: Bạn rủ con tạo dấu sắc bằng nhiều cách nhất có thể, tùy theo sở thích của con:
- Tạo dấu sắc bằng ngón tay: Bạn làm mẫu di chuyển ngón tay để vẽ dấu sắc trong không khí, hoặc vẽ trên lưng của nhau.
- Tạo dấu sắc bằng cả cơ thể: Bạn rủ con đứng trước gương rồi nghiêng người tạo thành hình dấu sắc.
- Vẽ dấu sắc trên khay cát.
- Vẽ dấu sắc trên bảng phấn.
- Tô màu, trang trí cho dấu sắc.
- Xếp hình các viên đá thành hình dấu sắc.
Hoạt động 4: Quan sát vị trí của dấu đối với chữ cái
Bước 1: Bạn hãy viết chữ cái cùng với dấu để con xem dấu sắc nằm ở vị trí nào đối với chữ cái đó.
Bước 2: Bạn cho một âm và một thanh dấu, con viết chữ cái và dấu tương ứng lên khay cát, hoặc bảng phấn.
Chú ý: Sau mỗi hoạt động, nếu con còn muốn tiếp tục, bạn có thể thực hiện hoạt động tiếp theo luôn. Nhưng nếu con không quá hứng thú, bạn hãy kiên nhẫn để dành một buổi khác. Mỗi ngày chúng ta tiếp cận một chút.
Vậy là qua những hoạt động này, con có thể cảm nhận sự thay đổi ngữ điệu của một âm thanh. Nếu con bạn học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai, bạn hãy chú ý kỹ phần này nhé! Mình hãy đi thật chậm và thật chắc.
Sau khi con đã cảm nhận tốt các thanh điệu và dấu tương ứng (thể hiện bằng việc: khi bạn đưa một âm và một dấu, con có thể nói ra âm thanh tạo thành), bạn tiếp tục cho con chơi các trò chơi củng cố: 3 trò chơi giúp bé nhận biết thanh dấu trong tiếng Việt.