Phát triển ngôn ngữ nói
Phát triển ngôn ngữ nói là phần đầu tiên trong chương trình ngôn ngữ nhưng cũng là phần mang tính chất cơ sở, đặt nền tảng cho toàn bộ chương trình. Có thể bạn sẽ thấy sốt ruột khi đi qua nhưng bài học này, chẳng có liên quan trực tiếp gì tới đọc và viết cả. Bạn hãy hình dung việc mình cùng con đi qua những bài học về ngôn ngữ nói giống như dắt một chú ốc sên đi dạo vậy. Trẻ cần có thời gian, chậm rãi, từ tốn để những cái ban đầu ấy ngấm dần vào tâm trí của con.
Bên cạnh đó, các bài học ngôn ngữ được xem là bước 1 nhưng cũng sẽ đi xuyên suốt cả quá trình học ngôn ngữ của con. Bởi vốn từ cũng như tư duy về ngôn ngữ luôn cần được mở rộng không ngừng.
Và gọi là bài học thôi, chúng đều là những trò chơi ngôn ngữ thú vị, bạn hãy cùng con từ từ trải nghiệm nhé!
Mục lục
Phát triển ngôn ngữ nói là gì?
Ngôn ngữ nói thực chất là giao tiếp bằng miệng, bao gồm nói, nghe và diễn đạt bằng lời nói.
Trẻ nhỏ phát triển ngôn ngữ nói dễ dàng và tự nhiên nhờ lắng nghe và được tham gia vào các cuộc trò chuyện với cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, anh chị em và những đứa trẻ khác. Ngay cả những cuộc trò chuyện đơn giản cũng giúp ích cho việc học ngôn ngữ nói.
Bạn có thể thấy những em bé được phát triển ngôn ngữ và tìm hiểu về thế giới xung quanh thông qua những hoạt động cụ thể trong cuộc sống hàng ngày:
- Nghe đọc truyện
- Ca hát
- Gieo vần
- Học từ vựng mới
- Thể hiện cảm xúc
- Tương tác và nói chuyện với người khác
- Tự mình tham gia vào các hoạt động/trò chơi
- Quan sát người khác
Tại sao phát triển ngôn ngữ nói lại quan trọng?
Phát triển ngôn ngữ nói ở lứa tuổi mầm non là rất quan trọng. Đây là bước chuẩn bị nền tảng bao gồm:
- Xây dựng sự tự tin và khả năng thể hiện bản thân
- Luyện tập kỹ năng lắng nghe, quan sát
- Tăng vốn từ vựng
- Khả năng diễn đạt câu hoàn chỉnh, đúng ngữ pháp và phát âm chính xác
- Hình thành thói quen đọc sách
- Đặt nền tảng cho việc đọc và viết
Hoạt động phát triển ngôn ngữ nói
Sau đây là những hoạt động chính trong chương trình ngôn ngữ nói, bạn đọc nhé để nắm được chúng mình sẽ chơi những trò chơi như thế nào!
Hoạt động khởi đầu
- Đọc sách và thiết lập góc đọc sách càng sớm càng tốt.
- Làm quen với âm vần thông qua các bài thơ, đồng dao, bài hát và chơi trò chơi ngón tay.
- Giao tiếp tích cực với mọi người xung quanh như chào hỏi, nói lời cảm ơn, xin lỗi, hỏi mượn đồ chơi…
- Nói chuyện thật nhiều trong những tình huống hàng ngày để con được làm mẫu và thực hành liên tục về cách diễn đạt.
- Lắng nghe và để con biết rằng những gì con nói là rất quan trọng.
- Đố con biết? Đây là trò chơi giúp trẻ rèn luyện khả năng quan sát và ghi nhớ đặc điểm. Bạn có thể đố từ những thứ quen thuôc đơn giản mà con yêu thích như các loại quả, động vật, phương tiện giao thông…
Đối sánh
Đây là hoạt động kết hợp 1-1 hai đối tượng giống hệt nhau thành cặp. Thông qua hoạt động này, trẻ từng bước xây dựng kỹ năng ngôn ngữ (từ vựng), kỹ năng toán học ban đầu (khớp, nhận dạng mẫu hình, so sánh, tương phản), giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, khả năng tập trung, tính kiên trì…
Phân loại
Phân loại được hiểu là là tổ chức các đối tượng theo các đặc điểm giống nhau. Kỹ năng phân loại rất quan trọng trong không chỉ trong quá trình phát triển ngôn ngữ mà còn đối với sự phát triển khả năng tư duy logic và suy luận của trẻ. Tại hoạt động này trẻ làm quen với hoạt động ghép cặp thẻ sóng đôi và sắp xếp thành danh mục.
Sau khi con đã làm quen tốt với hoạt động đối sánh và phân loại, bạn có thể cùng con khám phá các trò chơi trí nhớ với thẻ.
Mở rộng vốn từ vựng
Trò chơi gieo vần
Kể chuyện
Khi con được khoảng 3 tuổi, bạn sẽ nhận thấy con không chỉ thích nghe mẹ kể chuyện nữa mà còn muốn tự kể câu chuyện của chính mình. Đây chính là lúc bạn tạo điều kiện để con tự tin thể hiện nhu cầu tự nhiên đó.
Hoạt động kể chuyện rất cần thiết cho sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Bạn có thể thấy khi tập kể chuyện trẻ được củng cố rất nhiều kỹ năng:
- Tạo tiền đề cho tình yêu ngôn ngữ, sách, viết và đọc.
- Tự tin thể hiện bản thân
- Nuôi dưỡng trí tưởng tượng và tính sáng tạo
- Rèn luyện kỹ năng giao tiếp
- Rèn luyện khả năng tập trung
Để mở rộng hoạt động này, bạn có thể cùng con thực hiện cuốn nhật ký bằng tranh kết nối ngôn ngữ nói và viết.
Nhận biết trình tự
Cùng tìm hiểu về các dạng trình tự thường gặp dưới góc nhìn của bé, tại sao trình tự lại quan trọng thế và làm sao để có thể giải thích cho bé hiểu cũng như nuôi dưỡng tư duy về trình tự cho bé trong chính cuộc sống thường nhật.
Khi con bắt đầu tỏ ra hứng thú với những câu chuyện, bạn có thể tương tác với con một cách đa dạng và hứng thú hơn bằng cách cùng nhau chơi với thẻ câu chuyện theo trình tự.
Ngoài ra trong bước 1 chúng mình có một phần mang tính chất chuẩn bị đôi tai cho bé để nghe được âm, vần, từ, câu và chuẩn bị đôi tay để bé tự mình viết những ký tự đầu tiên. Đây đều là những trò chơi, mà thông qua những thời khắc vui vẻ đó, kỹ năng của bé được cải thiện một cách tự nhiên.
Thiết lập giá kệ dành cho các hoạt động ngôn ngữ nói
Chúng ta sử dụng một chiếc giá thấp đặt trên sàn để vừa với tầm tay của bé. Để chứa các đồ vật hay thẻ, bạn tìm những chiếc giỏ, hộp hoặc khay nhỏ để phân loại thành các bộ.
- Bức tranh/ảnh: Bạn có thể sử dụng bất cứ thể loại ảnh chụp, tranh nghệ thuật hay các bức họa nổi tiếng. Bé sẽ ngắm nhìn hàng ngày và một ngày nào đó sẽ bắt đầu thắc mắc và thảo luận với mẹ. Cùng nhau thảo luận về một chủ đề cụ thể là một cách hiệu quả để trò chuyện với bé.
- Giỏ đựng đồ vật/mô hình: 1-2 giỏ dung để hoạt động đối sánh. Trẻ ở giai đoạn này rất thích các đồ vật nhỏ nên bạn chú ý thu thập những đồ vật nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Bài học sẽ trở nên rất hấp dẫn đối với bé.
- Giỏ thẻ từ vựng: 2-3 giỏ
- Giỏ thẻ đối sánh: 2-3 giỏ
- Giỏ thẻ phân loại: 2-3 giỏ
- Giỏ đựng thẻ bài hát/thơ: 1 giỏ
Vị trí của các giỏ/khay/hộp đựng nên được giữ nguyên vị trí, chỉ có nội dung đựng trong đó thay đổi thường xuyên. Ví dụ: giỏ đựng thẻ từ vựng sẽ ở nguyên vị trí đó cả năm nhưng hàng tuần bạn có thể thay mới theo các chủ đề khác nhau như bộ thẻ đồ dung phòng vệ sinh, động vật sống dưới nước…
Mục đích là để góc ngôn ngữ luôn mới mẻ hấp dẫn với trẻ nhưng vẫn đảm bảo được tính nhất quán. Nhờ đó, bé được củng cố tư duy về tính trật tự, đồng thời rèn luyện tính tự lập từ những hoạt động thường nhật. Bé luôn biết đồ vật cần dùng ở đâu để có thể chủ động lấy ra hoạt động bất cứ lúc nào.
Nếu bé không thích một chủ đê nào đó mà bạn đã khuyến khích nhiều lần, bạn có thể cất đi và thử bày lại lên giá vào thời điểm khác.
Lần đầu giới thiệu về giá ngôn ngữ này, bạn nên đi theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. Đây cũng chính là thứ tự mà chúng ta đọc và viết Tiếng Việt. Những hành động nhỏ nhất trong Montessori đều có ý nghĩa đối với trẻ.