Phát triển ngôn ngữ

Tập viết chữ bằng khay cát

Bạn có thấy trong các khu vui chơi thường có chiếc bàn cát ánh sáng. Và ở đó thì không chỉ có những em bé nhỏ tò mò sờ chạm, mà còn có cả những em bé lớn cũng say sưa di những ngón tay nhỏ trên cát. Có điều gì đó thật êm dịu và thú vị khi vẽ và tạo hình trên cát bằng các ngón tay.

Một trong những hoạt động đầu tiên giúp bé ghi nhớ chữ cái sau khi học chữ cái nhám là viết chữ bằng ngón tay với khay cát. Con có thể tập viết trên cát, và nếu cảm thấy mình đã mắc lỗi hoặc không thích những gì mình đã làm, con luôn có thể lắc khay và bắt đầu lại từ đầu.

Đôi khi, việc tập viết các chữ cái phức tạp có thể gây khó chịu cho con khi con làm mãi mà không được. Lắc khay và bắt đầu lại từ đầu sẽ dễ dàng và thoải mái hơn. 

Chuẩn bị viết chữ bằng khay cát

  • Một chiếc khay phẳng, nông và có thành bao xung quanh.
  • Cát. Bạn cũng có thể thử dùng gạo hoặc nguyên liệu khô tương tự như bột cà phê, bột ngô…
  • Bạn có thể chuẩn bị thêm một chiếc khan nhỏ trải lót xuống bàn để bảo vệ mặt bàn vì cát có thể làm trầy xước và tạo ra những tiếng lạo xạo.
  • Dụng cụ vệ sinh: chổi, hót rác, khan lau bàn.
  • Chữ cái nhám.
viết chữ bằng khay cát

Những đồ dùng cho hoạt động viết chữ bằng khay cát

Cách hướng dẫn con viết chữ bằng khay cát

Có hai hoạt động với khay cát. Hoạt động đầu tiên mang tính chất chuẩn bj, giúp con làm quen với khay cát, và hoạt động thứ hai mới nhằm mục đích giúp con ghi nhớ các mặt chữ một cách tự nhiên và sâu sắc.

Hoạt động 1

Với một hoạt động mới toanh và đầy kích thích xúc giác như khay cát thì tại thời điểm bạn bắt đầu giới thiệu, con sẽ rất háo hức được tự do khám phá. Vì thế, chúng ta sẽ không gò ép con phải viết chữ này, chữ kia ngay mà dành cho con một chút thời gian để tự mình sờ chạm và cảm nhận.

  • Bước 1: Bạn làm mẫu đổ đầy cát vào khay đủ để phủ kín bề mặt.
  • Bước 2: Bạn làm mẫu cách thực hiện và cách xóa. Bạn Sử dụng hai ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa) của bàn tay thuận vẽ một vòng tròn lớn trên cát, ngược chiều kim đồng hồ để chuẩn bị viết. Sau đó bạn lắc nhẹ khay để xóa vòng tròn vừa vẽ.
  • Bước 3: Bạn mời con thực hiện. Con vẽ vòng tròn trên cát bằng hai ngón tay của bàn tay thuận. Con tập lắc nhẹ khay để xóa hình vừa vẽ. Mẹ dành thời gian cho con tiếp tục tự do vẽ các hình dạng khác nhau bằng hai ngón tay. Thâm chí, bé có thể say sưa vẽ một bức tranh trên cát. Lúc này, con được nuôi dưỡng khả năng tập trung cũng như óc sáng tạo.

Hoạt động 2

Bạn chỉ thực hiện hoạt động này sau khi con đã làm việc với chữ cái nhám. Lúc này, viết chữ trên cát sẽ một lần nữa giúp con củng cố trí nhớ cơ bắp đối với các mặt chữ.

  • Bước 1: Bạn lấy một chữ cái nhám, đặt ở phía bên trái của khay cát, dùng ngón trỏ và ngón giữa miết lên chữ nhám và phát âm.
  • Bước 2: Bạn dùng hai ngón tay viết âm lên khay cát. Khi viết xong, bạn đọc âm đủ to, rõ ràng.
  • Bước 3: Bạn xoa các ngón tay vào nhau để làm sạch cát và hỏi con có muốn thử không. Bạn có thể nói với con: “Bây giờ mẹ sẽ xóa âm mẹ vừa viết, và đến lượt con viết nhé!”. Bạn lắc nhẹ khay cát để xoá chữ mình vừa viết.
  • Bước 4: Quan sát con viết và hỗ trợ con nếu con viết chưa đúng hoặc chưa biết cách lắc khay một cách nhẹ nhàng, hoặc chưa biết cách làm sạch tay.
  • Bước 5: Khi con không muôn hoạt động với khay cát nữa, bạn hướng dẫn con cất cát và khay, dùng chổi quét và lau bàn nếu có cát vương trên bàn và dưới sàn. Bạn đừng quên cho con biết rằng bé có thể sử dụng khay cát một cách độc lập vào bất cứ lúc nào và bao nhiêu lần tùy thích.

Để hoạt động này luôn thú vị, bạn có thể thay đổi một chút ở bước chuẩn bị. Sau đây là một số gợi ý:

  • Thay đổi màu sắc cho cát
  • Thay cát bằng các loạt hạt khác tương tự
  • Thay đổi kích thước khay. Việc này cũng sẽ giúp con làm quen với việc thay đổi kích thước chữ cho phù hợp với khổ giấy.

Ghi chú cho hoạt động viết chữ bằng khay cát

Bạn không cần phải cho con học hết tất cả các chữ nhám rồi mới đến khay cát, mà có thực hiện hoạt động này ngay sau khi con học xong một chữ nhám nào đó.

Sau khi con đã viết được một vài chữ, bạn gợi ý để con viết chữ bất kỳ trên cát, để mẹ đoán xem chữ con viết là gì.

Trước giờ đi ngủ, bạn có thể cùng con chơi trò vạch chữ lên bàn tay hoặc lưng áo, để đố xem chữ đó là chữ gì. Nhiều khi, chơi đố thì ít nhưng cù lét nhau và cười sằng sặc thì nhiều. Và đây chính là “tác dụng phụ” của hoạt động này: vừa giúp con củng cố trí nhớ cơ bắp với mặt chữ, đồng thời mẹ và bé có khoảng thời gian tương tác thật gần gũi và vui vẻ.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *