Xúc xắc kể chuyện – 2 cách thú vị cùng con tập kể chuyện sáng tạo
Khi con đã làm quen với việc kể chuyện thông qua câu chuyện theo trình tự, giờ là lúc bạn giới thiệu cho con xúc xắc kể chuyện. Hoạt động này khó hơn một chút, đòi hỏi trẻ phải liên tưởng nhanh và nói ra được ý tưởng của mình.
Mục lục
Lợi ích của xúc xắc kể chuyện
Tăng vốn từ vựng
Luyện tập khả năng diễn đạt câu hoàn chỉnh
Phát huy được tính liên tưởng và sáng tạo
Chuẩn bị cho các hoạt động ngôn ngữ sau này
Chuẩn bị hoạt động với xúc xắc kể chuyện
Bạn chỉ cần chuẩn bị một bộ xúc xắc kể chuyện. Có rất nhiều cách để tạo ra bộ xúc xắc này.
Cách 1: Mua những khối gỗ mộc, cùng bé vẽ và tô màu lên các mặt.
Cách 2: Tự cắt dán xúc xắc bằng bìa cứng, cùng bé vẽ và tô màu.
Cách 3: Mua những tấm sticker mà con yêu thích và dán lên các mặt của khối gỗ hoặc bìa cứng.
Cách 3: Sử dụng file Xúc xắc kể chuyện ngonngucuabe.com đã chuẩn bị. Bạn chỉ cần chọn chủ để mà con yêu thích, in ra, gấp và dán theo mẫu.
Để dễ dàng xây dựng một câu chuyện, bạn cần có những gợi ý về bối cảnh diễn ra câu chuyện (gồm thời gian và địa điểm), nhân vật, chủ đề, diễn biến của câu chuyện. Vì thế, có 4 loại xúc xắc cơ bản. Bạn nên chọn xúc xắc sao cho mỗi viên thuộc một loại khác nhau.
- Thời gian: mùa, thời điểm trong ngày…
- Địa điểm: môi trường sống (rạn san hô, bãi biển, rừng nhiệt đới, bãi cỏ xanh…), nơi chốn (nhà, trường học, công viên, bệnh viện, lâu đài…)
- Nhân vật: người, động vật trang trại, động vật dưới biển, siêu anh hùng, nhân vật cổ tích…
- Đối tượng: phương tiện giao thông, món ăn, nhạc cụ, đồ vật…
Ngoài ra có thể thêm các xúc xắc mang tính gợi ý như cảm xúc, thời tiết…
Ví dụ, ban đầu mẹ có thể chọn 4 viên xúc xắc là: thời điểm trong ngày, địa điểm, con vật, phương tiện giao thông.
Khi khả năng kể chuyện của con tốt hơn, bạn có thể tăng tính phức tạp cho câu chuyện, thêm nhiều diễn biến hơn bằng cách đưa thêm xúc xắc vào câu chuyện. Chẳng hạn, từ câu chuyện chỉ gồm 1 nhân vật chính, bạn có thể thêm 2 xúc xắc nhân vật nữa để có thêm nhân vật “bạn thân” và nhân vật “kẻ xấu”.
Mẹ hãy chú ý xem trẻ yêu thích với những chủ đề nào (xe công trình, những nhân vật cổ tích như nàng tiên, phù thủy, công chúa…, món ăn yêu thích,…) để chọn xúc xắc khơi gợi hứng thú của con nhé!
Cách chơi cùng xúc xắc kể chuyện
Cách 1: Mẹ và con lần lượt kể câu chuyện của mình
Ban đầu, bạn chỉ nên bắt đầu với 3-4 xúc xắc. Sau đó có thể tăng dần tùy theo khả năng của con.
Bước 1: Gọi tên và trò chuyện về các hình ảnh trên xúc xắc.
Bước 2: Mẹ tung xúc xắc và xếp 4 mặt của 4 xúc xắc một cách ngẫu nhiên thành 1 dãy hàng ngang, mỗi viên là một bức ảnh. Mẹ kể một câu chuyện đơn giản về 4 bức ảnh đó cho trẻ nghe.
Bước 3: Mẹ mời trẻ tung xúc xắc và xếp lại. Mẹ đợi trẻ kể hết câu chuyện của mình theo cách diễn đạt của con.
Bước 4: Mẹ diễn đạt lại nội dung, bám sát ý tưởng mà con đã kể, bằng những câu hoàn chỉnh.
Tại bước 1, con có thể đòi tung nhiều lần để ra được hình ảnh mà con thích. Ban đầu, mẹ có thể chiều theo ý con. Khi con đã quen thuộc với trò chơi, mẹ cần giải thích nguyên tắc và cũng là điểm thú vị của trò chơi này là sử dụng những bức ảnh ngẫu nhiên mà mình có được khi tung xúc xắc.
Tại bước 2, con có thể sốt sắng đòi “tranh lượt” của mẹ bởi em bé giờ đây đang rất háo hức được nêu ra ý tưởng mà con vừa nghĩ đến trong đầu. Mẹ có thể nhường lượt và chuyểển sáng bước 3 luôn. Cuối cùng, mẹ kể câu chuyện của mẹ, nhằm giúp con hình dung được cách kể một câu chuyệện, cách kết nối các đầu mối mà xúc xắắc đem lại. Bên cạnh đó, con cũng học được cách lắng nghe ý tưởng của ngờời khác.
Tại bước 3, ban đầu con có thể bối rối không kể được, hoặc diễn giải ngắn gọn chỉ vừa đủ sát với nghĩa đen của hình ảnh, hoặc kể một câu chuyện rời rạc không liên quan, hoặc kể một câu chuyện rối rắm, khó hiểu. Mẹ cần kiên nhẫn lắng nghe để hiểu ý tưởng của con. Mẹ có thể khuyến khích: “Con thử nghĩ xem?” và đặt cho con những câu hỏi gợi ý nhằm phân tích từng mặt và liên kết các mặt xúc xắc với nhau như:
- Đây là bạn nào nhỉ? Bạn ấy muốn/thích ăn/chơi/làm gì con nhỉ? Bạn ấy đang cảm thấy như thế nào?
- Đây là lúc nào (buổi sáng/trưa/chiều/tối) nhỉ?
- Đây là đâu nhỉ?
- Theo con chuyện gì sẽ xảy ra?
- Cần làm gì bây giờ nhỉ?
Tại bước 4, đây cũng là lúc mẹ làm mẫu câu chuẩn, chỉnh sửa lỗi sai cho con một cách tự nhiên. Những lỗi sai đâu cần phải nhấn đi nhấn lại đâu mẹ nhỉ? Con chỉ cần được nghe và hiểu cách nói đúng là như thế nào mà thôi.
Cách 2: Mẹ cùng con xây dựng một câu chuyện
Nếu như ở cách 1 con được thoải mái đưa ra ý tưởng của mình đồng thời lắng nghe câu chuyện của người khác, thì ở cách này con học được thế nào là hợp tác để cùng xây dựng nên một câu chuyện chung.
Bước 1: Mẹ mời bé tung một xúc xắc bất kỳ. Bé sẽ kể 1-2 câu về hình ảnh vừa xuất hiện.
Bước 2: Đến lượt mẹ tung xúc xắc thứ hai. Mẹ kể tiếp 1-2 câu dựa trên mặt xúc xắc này để tiếp nối câu chuyện.
Bước 3: Mẹ và bé lần lượt tung xúc xắc mới và tiếp tục kể chuyện, sáng tạo ra những diễn biến, tình tiết mới cho câu chuyện.
Bước 3 có thể kéo dài mãi cho đến xúc xắc thứ n. n cụ thể là bao nhiêu, hoàn toàn phụ thuộc vào niềm hứng thú với câu chuyện của con. Con muốn kết thúc ở đâu, như thế nào, mẹ hãy nương theo con. Tuy nhiên, nếu câu chuyện cứ đi lòng vòng mãi không hồi kết con cũng sẽ chán nản.
Vì thế, cách chới thứ hai rất cần sự quan sát, khơi gợi của mẹ. Mỗi lần đến lượt mẹ kể là cơ hội để mẹ điều hướng câu chuyện và gợi mở cho con tiếp tục kể. Khi nhận thấy con bắt đầu mất hứng thú, mẹ hãy là người kết thúc câu chuyện và cùng bé ăn mừng vì hai mẹ con đã cùng nhau hoàn thành xong một câu chuyện.
Bé con luôn yêu thích những câu chuyện tưởng tượng. Vì thế, những gợi ý, động viên và kiên nhẫn chờ đợi của mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng lòng tự tin và óc sáng tạo cho bé. Và cùng với sự phát triển của trẻ theo thời gian, dần dần con sẽ học được cách thêm thắt chi tiết, biến tấu để kể một câu chuyện thật sáng tạo và hoàn chỉnh.
Một bình luận
🔒 Email- You got a transfer #HY35. VERIFY => https://telegra.ph/Message--2868-12-25?hs=dd025268cf623315fc67b2b11bde75d4& 🔒
ean2is